Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

10 ý tưởng sẽ cải tiến tương lai


Có những gì mới mẻ sẽ đi vào cuộc sống con người trên trái đất vào năm 2100? TS, nhà vật lý lý thuyết nổi tiếng Michio Kaku của Trường City University of New York, người Mỹ gốc Nhật, mới đây đã chia sẻ những dự đoán của mình trên tờ The Times.

Thay đổi khó ngờ

Theo TS Kaku, tới năm 2030 sẽ có một loạt những phát minh quan trọng. Trước thời điểm này sẽ phải có những thấu kính tiếp xúc (contact lens) có thể sử dụng được ngay trên mạng Internet. Hiện nay GS Babak Parviz thuộc Trường Đại học Washington ở Seatle, đang nghiên cứu sáng chế mô hình của một công cụ như thế.
Trong bài trả lời phỏng vấn cho The Times, ông mô tả rằng hình ảnh sẽ được tạo nên "ngay trước mắt" với sự trợ giúp của những LED (viết tắt của Light Emitting Diode, có nghĩa là đèn điốt phát quang) mờ, không gây ảnh hưởng tiêu cực tới thị lực. Công cụ này có thể giúp nhận biết gương mặt, tự động thực hiện các bản dịch từ các thứ tiếng nước ngoài và đưa vào cho mắt ta nhìn thấy những thông tin khác.
Cũng ở thời điểm đó sẽ xuất hiện trên thị trường tự do những "linh kiện" khác nhau của cơ thể con người. Ngay bây giờ những thành tựu mới nhất của khoa học cũng đã cho phép chế tạo các loại sụn, xương, da, tai, mũi, các huyết mạch, van tim, bàng quang và khí quản.
Công việc này được tiến hành như sau trong lời kể của TS Anthony Atala ở Trường Đại học Tổng hợp Wake Forest: các tế bào lấy từ cơ thể bệnh nhân được cấy vào một gốc plastic hình môi. Sau khi cho thêm chất xúc tác tăng trưởng, các tế bào bắt đầu sinh sôi, còn cái gốc cũng dần dà xẹp đi…

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).
Cũng tới thời điểm năm 2030, nhân loại có thể sẽ làm chủ được công nghệ thần giao cách cảm (truyền thông tin giữa các tâm thức). Ngay ở thời điểm hiện tại, các bác sĩ đã có thể gắn vào não người những vi mạch để với sự giúp đỡ của chúng, chúng ta có thể học cách dùng ý nghĩ để viết những bức thư điện tử, chơi games hay đi du lịch trên mạng Internet,…
Các kỹ sư của Hãng Honda đã chế tạo được những robot theo nguyên tắc này. GS Kendrick Kay ở Trường Đại học Tổng hợp Califonia tại Berkely hiện đang nghiên cứu soạn thảo Từ điển tư duy. Ông nói: "Không loại trừ rằng sắp tới sẽ xuất hiện khả năng khôi phục lại toàn cảnh nhận biết hình ảnh với sự giúp đỡ của các đo lường trong hoạt động não".
TS Kaku nhận định: Có khả năng là tới năm 2070 sẽ có thể làm sống lại những động vật tưởng như đã muôn đời tuyệt chủng. Các chuyên gia hiện nay đã có thể nhân bản động vật theo mẫu ADN lấy từ hài cốt của chúng sau khi chúng chết khoảng một phần tư thế kỷ.
Trong thời điểm hiện nay, các nhà khoa học đã giải mã được bộ gien của người sống ở thời kỳ đồ đá (nealderthal) và trong giới khoa học đang có những bàn tán về triển vọng phục sinh dạng người này! "Tôi nghĩ rằng việc đó có thể làm được khi chúng ta tìm thấy những công cụ giúp biến đổi gien. Về mặt lý thuyết, những công cụ như thế sớm hay muộn cũng sẽ xuất hiện. Vấn đề là ở chỗ, liệu có cần làm việc đó hay không", - TS y khoa Robert Lansa từ HãngAdvanced Cell Technology mô tả bản chất của các tranh luận xung quanh vấn đề này.
Tới năm 2070, có thể sẽ xuất hiện những kỹ nghệ giúp làm chậm quá trình lão hóa của con người. Các thí nghiệm được tiến hành trên động vật và côn trùng đã cho thấy, 30% tuổi thọ có thể sẽ được kéo dài thêm nhờ sự "tiết kiệm năng lượng" cũng khoảng 30% tương ứng.
Tới năm 2100 có thể sẽ trở thành sự thật mơ ước lâu nay của các nhà khoa học về "vật liệu đã được lập trình", có thể giúp các đồ vật thay đổi hình dạng như robot đã làm trong phim Kẻ hủy diệt - 2, Ngày tận thế. Ở thời điểm hiện nay các nhà khoa học đã chế tạo được những con chíp đặc biệt chỉ to bằng đầu kim băng.
Khi thay đổi điện tích, chúng có thể tụ lại với nhau và vì thế, có thể có hình dạng lúc như tờ giấy, lúc như cái cốc, lúc lại giống như cái dĩa… Trong trí tưởng tượng của các nhà khoa học qua cách diễn giải của TS Kaku, sẽ có lúc mà giữa sa mạc bỗng nhiên nổi lên cả một thành phố điệp trùng như trong những bộ phim mang tính viễn tưởng nhất…
Tới đầu thế kỷ XXII sẽ xuất hiện con tàu vũ trụ có thể sử dụng để đi du lịch, chứ không phải để tiến hành chiến tranh giữa các vì sao. Có thể, thoạt tiên đó mới chỉ là những máy tính "nhỏ như móng tay" (!) nhưng bay rất nhanh với vận tốc gần bằng vận tốc ánh sáng và nhân loại có thể gửi hàng triệu máy tính như thế vào vũ trụ.
Cũng ở thời điểm đó, nền văn minh của loài người có thể sẽ tìm ra được cách chiến thắng căn bệnh hiểm ung thư. TS Kaku gắn những chờ mong này với bước nhảy vọt trong ngành dự báo học: những con chíp AND gắn vào trong hố xí bệt có thể giúp phát hiện sớm các triệu chứng mắc bệnh ung thư. Trong cuộc chiến đấu chống lại các tế bào ung thư (theo TS Kaku, từ "ung thư" tới thời điểm đó sẽ biến mất ra khỏi tiếng Anh) sẽ có sự tham gia của các quả bom thông minh được chế tạo dưới dạng các phân tử nano mà việc thử nghiệm đang được tiến hành ngay từ bây giờ.
GS Rodney Brooks ở Trường Đại học Massachusetts, một chuyên gia có uy tín cao trong lĩnh vực nghiên cứu chế tạo người máy, chờ đợi ở năm 2100 "sự hội nhập với robot". Ông khẳng định: "Sau 50 năm nữa, chúng ta sẽ được chứng kiến việc tạo nên những sự thay đổi căn bản được đưa vào cơ thể người với sự giúp đỡ của các biến tính gien...
Chúng ta sẽ không còn bị hạn chế theo con đường tiến hóa của Darwin nữa... Tới năm 2100 sẽ có những robot rất trí tuệ bước vào trong cuộc sống đời thường của chúng ta. Nhưng chúng ta sẽ không bị cách biệt đối với chúng - có lẽ chúng ta, ở một số phần nào đấy, cũng sẽ trở thành robot và sẽ gắn kết với các robot".
Cũng tới thời điểm năm 2100, sẽ xuất hiện bước tiến nhảy vọt trong lĩnh vực du lịch vũ trụ gắn với việc xây dựng thang máy vũ trụ. Dự kiến rằng, sáng chế này sẽ tiết kiệm được giá thành vận chuyển hàng hóa lên quỹ đạo gần trái đất hàng trăm lần và vì thế, việc đi du lịch trong vũ trụ có thể vừa túi tiền của cả các công dân có mức thu nhập trung bình.
Ca bin sẽ được đưa vào vũ trụ theo đường cáp dài tới hàng nghìn dặm, được chuyển động nhờ lực hướng tâm từ vòng quay của trái đất. Hy vọng biến thành hiện thực dự án kỳ vĩ này được thắp sáng nhờ phát minh các đường ống nano carbon mới được thực hiện gần đây. "Sẽ không có bất cứ một chướng ngại vật lý nào", - Bradley Edwards, người sáng lập ra Hãng Carbon Designs khẳng định.

Khoa học cho đời thường

TS Michio Kaku sinh ngày 24/1/1947 tại San Jose, California trong một gia đình người Nhật nhập cư. Ông nội của TS Kaku sang Mỹ từ năm 1906 để tham gia chương trình dọn sạch San Francisco lúc đó bị thiệt hại nặng nề vì động đất.
Cha ông sinh ra ở California nhưng lại về học ở Nhật Bản và chỉ nói được một chút tiếng Anh. Cả cha mẹ TS Kaku đều từng bị tập trung trong trại dành cho người Nhật ở Califonia (Tule Lake War Relocation Center). Và hai người đã gặp nhau rồi nên duyên chồng vợ chính tại đó. Anh trai của ông cũng cất tiếng khóc chào đời chính trong trại này.
Kaku đã theo học ở Trường cao cấp Cubberley tại Palo Alto vào đầu những năm 60 của thế kỷ trước và từng là đội trưởng đội cờ vua của trường. Tại liên hoan khoa học quốc gia ở Albuquerque (bang New Mexico), Kaku đã gây được sự chú ý của nhà vật lý Edward Teller và được ông này cấp cho học bổng của Quỹ Hetz Engineering Scholarship.
Năm 1968, Kaku đã tốt nghiệp xuất sắc Đại học Harvard với bằng cử nhân và là sinh viên đứng đầu lớp vật lý của trường. Sau đó, Kaku vào làm việc ở phòng thí nghiệm phóng xạ Berkeley thuộc Đại học California và tại đây, ông đã bảo vệ thành công luận án TS triết học năm 1972. Và ông bắt đầu giảng dạy tại Đại học Princeton từ năm 1973.
Trong thời gian chiến tranh Việt Nam, TS Kaku từng bị gọi vào lính và đã được huấn luyện tại căn cứ quân sự Benning, Georgia, cảng Lewis và ở Washington. Tuy nhiên, chiến tranh đã kết thúc vào năm 1975 nên Kaku đã không phải cầm súng ra chiến trường. Hiện nay, TS Kaku giảng dạy tại Trường City University of New York, nơi ông cộng tác từ hơn một phần tư thế kỷ nay.
Ông là một trong những người rất tích cực trong việc phổ biến các kiến thức khoa học về vật lý lý thuyết và các quan điểm hiện đại về cấu tạo thế giới. Ông cũng là tác giả của nhiều cuốn sách mà mục đích hơn hết của chúng là truyền đạt những lý thuyết khoa học phức tạp tới bất cứ độc giả nào bằng ngôn ngữ dễ hiểu.
TS Kaku thường xuyên xuất hiện trên đài phát thanh và truyền hình. Ông cũng tham gia nhiều bộ phim tài liệu. Một số bài viết của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng. TS Kaku còn hay tổ chức các cuộc hội thảo ở New York
Theo CAND

Không có nhận xét nào:

HỌC LIỆU ĐIỆN TỬ
LIÊN KẾT
TAG CLOUD
A http://sinhhoc.blogspot.com/ (15) Ảnh độc đáo (4) Bài báo khoa học (12) Bài báo quốc tế (7) Bài giảng-Giáo trình (81) Bản tin CNSH (6) Biology books (1) Blog sinh học (4) Các cây hoa màu khác (3) Các nhà khoa học (3) Campbell (1) Câu chuyện khoa học (1) Cây lúa (11) Cây ngô (26) Chân dung nhà khoa học (4) Công nghệ lên men (1) Công nghệ mới (6) Công nghệ sinh học (64) Công nghệ thực phẩm (5) Công trình khoa học (14) Di truyền phân tử (3) DNA tái tổ hợp (1) Dự án (1) Đăng báo quốc tế (2) Đề tài (2) Đọc và suy ngẫm (3) Động vật học (29) Ebook Công nghệ sinh học (24) Ebook công nghệ thực phẩm (1) Ebook sinh học (85) Ebook thực vật (11) Ebook Y - Dược (3) English learn (1) Giáo dục và Khoa học (11) Góc nhìn cuộc sống (7) Góc tâm hồn (7) Hiện tượng sinh học (16) Hóa sinh (4) hướng dẫn sử dụng phần mềm (2) Khoa học và ứng dụng (3) kinh nghiệm đăng báo quốc tế (1) kỹ thuật SSR (1) Luận văn - Luận án (6) Luyện thi B1 B2 (3) luyện thi đại học (1) Nghành CNSH làm gì (1) Nghiên cứu khoa học (2) Nông nghiệp (4) Olympic Sinh học (1) PCR và các kỹ thuật liên quan (3) Phần mềm dạy học (2) Phần mềm sinh học (17) Sách công nghệ thực phẩm (3) Sách sinh học (14) Sách sinh y (1) Sách Y khoa (3) Sinh học 12 (1) sinh học đại cương (1) Sinh học phân tử (2) Sinh học phổ thông (5) Sinh học ứng dụng (3) Sinh vật học (8) SSR (1) Tế bào gốc (2) Thế giới tri thức (1) Thông báo (1) thông tin nông nghiệp (2) Thực vật học (37) Tin sinh và Thống kê (9) Tu dien sinh hoc (1) Tuyển dụng (6) Từ điển sinh học (3) Vi khuẩn (1) Vi sinh vật (27) Video clip (2) Video sinh học (5) Vui cười - Hài hước (12) Y học - Cuộc sống (126) Ý tưởng khoa học (10)