Thứ Năm, 22 tháng 9, 2011
GSTS. Bùi Chí Bửu ba mươi năm gắn bó với cây lúa
HieuBio
HieuBio
Nhiều người dân trên cả nước, đặc biệt là ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), biết đến GS-TS Bùi Chí Bửu không phải bởi trên cương vị Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL mà bởi những thành công của Ông cùng với tập thể cán bộ, nhân viên của Viện trong lĩnh vực nghiên cứu về cây lúa, tạo bước phát triển nhảy vọt về sản xuất lương thực ở vùng châu thổ này.
Kể từ khi trở thành cán bộ nghiên cứu của Viện Lúa ĐBSCL đến nay, GS-TS Bùi Chí Bửu đã có những đóng góp đáng kể trong các lĩnh vực chọn tạo giống, xây dựng biện pháp thâm canh và chuyển giao kỹ thuật tiến bộ, đề xuất nhiều mô hình về tổ chức sản xuất lúa.
Về chọn tạo giống
Nước ta là một nước nông nghiệp, với ưu thế của một nền văn minh lúa nước, thế nhưng trước những năm 90 của thế kỷ trước, hàng năm chúng ta phải nhập trên 1 triệu tấn lương thực. Làm thế nào để đủ ăn - đó là nỗi lo của mọi người Việt Nam lúc bấy giờ. Nhưng đến nay, ngành sản xuất lúa gạo của nước ta đã có những bước tiến vững chắc: An ninh lương thực được đảm bảo, hàng năm xuất khẩu 4 đến 5 triệu tấn gạo. Có được thành tựu này, cùng với sự cởi trói của các chính sách trong thời kỳ đổi mới, phải kể đến những đóng góp của các kỹ thuật tiến bộ, trong đó có việc sử dụng giống mới trong sản xuất lúa. ĐBSCL là vùng châu thổ được coi là vựa lúa, đảm bảo 50% an ninh lương thực của nước ta, cũng là đất dụng võ của Viện Lúa ĐBSCL. Để nâng cao sản lượng, chất lượng lúa ở vùng này, các nhà khoa học của Viện đã dành nhiều công sức cho công tác chọn tạo giống. Sau gần 30 năm thành lập, Viện Lúa ĐBSCL đã chọn tạo được hàng trăm giống lúa, đáp ứng nhu cầu sản xuất của nhiều địa phương. Đến nay, các tỉnh từ Bình Thuận trở vào có đến 70% diện tích trồng lúa sử dụng các giống của Viện. Nhiều giống lúa của Viện cũng đang phát huy tác dụng tại nhiều vùng của các tỉnh miền Bắc và miền Trung. Viện cũng đã xây dựng các hướng chọn tạo giống lúa rất đa dạng: Thâm canh, ngắn ngày né lũ, chống chịu (sâu, rầy, phèn, mặn, hạn, ngập lụt…), chất lượng cao… đáp ứng yêu cầu của sản xuất trong từng thời kỳ và có tính thích ứng cao đối với nhiều vùng sinh thái. Những năm gần đây, Viện đã chọn tạo được nhiều giống lúa chất lượng cao, phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu (ĐBSCL chiếm 80% sản lượng gạo xuất khẩu). Có được những bộ giống lúa tốt (năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với các vùng sinh thái), được sản xuất chấp nhận, phải kể đến sự đóng góp lớn lao của tập thể các nhà khoa học thuộc Viện Lúa ĐBSCL, trong đó có GS-TS Bùi Chí Bửu. Quá trình hoạt động khoa học của GS-TS Bùi Chí Bửu gắn liền với những thành tựu của Viện Lúa ĐBSCL. Những năm đầu mới ra trường, kỹ sư Bùi Chí Bửu được sự dẫn dắt của các nhà khoa học đầu đàn, tiếp đó được đào tạo bài bản trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là công nghệ sinh học phân tử, cùng với sự miệt mài trong học tập, nghiên cứu công nghệ mới tại những cơ sở tiên tiến… là nguồn vốn đáng quý để ông cùng các đồng nghiệp tạo nên những thành tựu của Viện. Nói đến GS-TS Bùi Chí Bửu, nhiều nhà chọn giống lúa nhận xét: Ông là người tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ mới (công nghệ sinh học) trong chọn tạo giống lúa. Bởi bằng việc sử dụng những công nghệ này, mục đích tạo giống được kiểm soát, con đường có được giống tốt sẽ rút ngắn.
Xây dựng các biện pháp thâm canh
Để nâng cao sản lượng, chất lượng và sản xuất lúa có lãi, cùng với việc sử dụng giống tốt, Viện rất coi trọng việc áp dụng các biện pháp thâm canh. Viện đã đề xuất biện pháp “3 giảm, 3 tăng”, xây dựng bản đồ phân bón, áp dụng phòng trừ sâu bệnh tổng hợp (IPM), giúp người sản xuất lúa chủ động, tiết kiệm phân bón, thuốc trừ sâu. Đến nay đã có khoảng 40% diện tích lúa được áp dụng những biện pháp này, đem lại hiệu quả về kinh tế và môi trường cho người sản xuất. Các quy trình thâm canh tổng hợp lúa tăng năng suất, tăng chất lượng và hiệu quả kinh tế đã được Viện chuyển giao cho nông dân trên nhiều vùng sinh thái khác nhau. Về kết quả ứng dụng công nghệ hạt giống, đến nay đã có trên 20% diện tích gieo trồng và trên 34% diện tích vùng quy hoạch lúa xuất khẩu đã sử dụng giống lúa xác nhận. Đây là con số ghi nhận cả quá trình nhiều năm thực hiện công tác chuyển giao công nghệ của Viện Lúa ĐBSCL. Cùng với các kỹ thuật tiến bộ về giống, biện pháp canh tác, Viện cũng đã chuyển giao các tiến bộ về cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch (máy gieo hàng, máy sấy, máy đánh bùn, máy tuốt lúa, máy bóc bẹ tách hạt ngô…). Từ lúc là cán bộ kỹ thuật, cho đến nay với vai trò là người đứng đầu Viện, GS-TS Bùi Chí Bửu luôn bám sát sản xuất để những kết quả nghiên cứu đến được những địa chỉ cần áp dụng.
Nâng cao giá trị sinh lợi của hạt gạo và giúp người nông dân bớt nghèo
Trước đây, chúng ta phải lo sao cho có nhiều gạo, nhưng đến nay là cần có gạo ngon để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Xuất phát từ yêu cầu đó, GS-TS Bùi Chí Bửu đã đề xuất hướng chọn giống lúa chất lượng cao. Đến nay, nhiều giống lúa theo hướng này đã được trồng đại trà trong sản xuất, đáp ứng đòi hỏi ngày càng khắt khe hơn của người tiêu dùng và đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Ông cũng là người đề xuất Chương trình “Một triệu héc ta lúa xuất khẩu ở ĐBSCL” mà hiện nay Chương trình này đang được triển khai và đem lại hiệu quả rõ rệt. GS-TS Bùi Chí Bửu cũng là người đề xuất những mô hình, giải pháp để xây dựng những cơ chế, chính sách sao cho phù hợp với từng địa phương, từng vùng, đặc biệt đối với vùng nông thôn. Với ý tưởng làm thế nào để hạt gạo làm ra có giá cao trên thị trường quốc tế, ông đề xuất: Sản xuất nông nghiệp cần chuyển hướng phát triển trên cơ sở áp dụng những kỹ thuật mới, nhất là lĩnh vực công nghệ sinh học. Với mục tiêu hướng tới nền nông nghiệp chất lượng cao, có sức cạnh tranh, bền vững, chúng ta cần tổ chức sản xuất theo quy mô lớn, chuyên môn hoá. Có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Không thỏa mãn với kết quả đạt được, GS-TS Bùi Chí Bửu và các nhà khoa học ở Viện Lúa ĐBSCL vẫn luôn trăn trở, làm thế nào để phát huy được lợi thế, nâng cao giá trị sinh lợi của hạt lúa ĐBSCL, để hạt gạo Việt Nam vươn xa hơn trên thị trường quốc tế. Nhờ ứng dụng rộng rãi các thành tựu khoa học, trong đó có sự đóng góp của Viện Lúa ĐBSCL, năng suất lúa bình quân trong vùng đã tăng từ 2,81 tấn/ha/vụ lên 4,88 tấn/ha/vụ, giúp nông dân ĐBSCL xóa đói giảm nghèo vững chắc.
Cùng với những thành công trong nghiên cứu khoa học (chủ trì và tham gia hơn 50 đề tài nghiên cứu của tổ chức quốc tế, cấp nhà nước, bộ, địa phương), GS-TS Bùi Chí Bửu còn viết 2 giáo trình và 3 cuốn sách về cây lúa. Đây là những tài liệu có giá trị trong học tập, nghiên cứu khoa học và sản xuất. Năm 2000, công trình “Giống lúa và cải tiến kỹ thuật thâm canh lúa ở ĐBSCL” mà ông là đồng tác giả đã vinh dự được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ.
Ở tuổi 54, GS-TS Bùi Chí Bửu luôn chạy đua với thời gian, vì trước mắt còn rất nhiều dự định cho những công trình nghiên cứu khoa học về cây lúa. Mong sao các công trình nghiên cứu khoa học của ông có được nhiều thành công hơn nữa, để người sản xuất lúa có lãi ngày càng cao.
Không có nhận xét nào: