Thứ Năm, 19 tháng 5, 2016

Giới khoa học họp bí mật, bàn về tạo hệ gene người

Các nhà khoa học tham dự cuộc họp kín tại Trường Y khoa Harvard không được phép liên lạc với cơ quan báo chí hoặc chia sẻ trên mạng xã hội.


Giáo sư Church trong cuộc họp thượng đỉnh quốc tế về vấn đề biến đổi gene do Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ tổ chức ở Washington vào tháng 12 năm ngoái. Ảnh: AP.

Các nhà khoa học đang dự định tạo ra một hệ gene người, sử dụng các chất hóa học để cho ra đời mọi ADN thuộc nhiễm sắc thể của con người. Triển vọng trên thu hút sự tò mò và quan tâm của cộng đồng khoa học quốc tế bởi khả năng sử dụng hệ gene nhân tạo để tạo ra con người mà không cần cha mẹ sinh học có thể xảy ra thông qua nhân bản.

Theo New York Times, tuy dự án vẫn còn ở giai đoạn ý tưởng và bao gồm nỗ lực nhằm cải tiến phương pháp tổng hợp ADN, nội dung của nó đã được thảo luận tại một cuộc họp kín diễn ra hôm 10/5 ở Trường Y khoa Harvard tại Boston, Mỹ. Gần 150 nhà khoa học được yêu cầu không liên lạc với cơ quan báo chí hay đăng tải thông tin trên mạng xã hội trong thời gian tham dự cuộc họp.

Các nhà tổ chức cho biết dự án có thể mang lại thành tựu khoa học to lớn và là bước tiếp theo của Dự án Hệ Gene Người hướng đến đọc trình tự ba tỷ đơn vị hóa học trên bản đồ ADN của con người. Thay vì tập trung vào việc đọc, mục tiêu của dự án nối tiếp là viết lại hệ gene người bằng cách tổng hợp cả ba tỷ đơn vị từ chất hóa học.

Tham vọng trên dấy lên nhiều vấn đề về đạo đức, bao gồm khả năng tạo ra con người với một số đặc tính nhất định để trở thành chiến binh hoặc tạo ra bản sao của một người nổi tiếng nào đó. "Ví dụ, liệu có ổn không khi sắp trình tự và tổng hợp hệ gene của Einstein? Chúng ta nên tạo ra và lắp ghép vào tế bào bao nhiêu hệ gene của Einstein và ai sẽ là người sở hữu chúng?", Drew Endy, kỹ sư sinh học ở Đại học Stanford và Laurie Zoloth, nhà đạo đức sinh học ở Đại học Northwestern, chỉ trích dự án.

Tiến sĩ Endy, người có giấy mời tham gia cuộc họp, cho biết ông quyết định từ chối đến dự bởi dự án không công khai trước nhiều người và khía cạnh đạo đức của công trình chưa được cân nhắc đầy đủ.

George Church, giáo sư di truyền học ở Trường Y khoa Harvard, một trong những người đề xuất dự án, khẳng định đây là một sự hiểu lầm. Dự án không nhằm mục đích tạo ra con người mà chỉ tập trung vào tế bào và không chỉ hạn chế trong hệ gene người. Công trình hướng đến cải tiến khả năng tổng hợp ADN nói chung, có thể ứng dụng với nhiều loài động thực vật và vi sinh vật.

Church giải thích cuộc họp không công khai với phương tiện truyền thông và người tham gia được yêu cầu không thông báo trên mạng xã hội bởi những người tổ chức dự án đã gửi công trình nghiên cứu cho một tạp chí khoa học. Do đó, họ không được phép thảo luận vấn đề công khai trước khi công trình xuất bản. Church và những người khác trong ban tổ chức đã đề cập tới khía cạnh đạo đức của công trình ngay từ đầu.

Dự án lúc đầu có tên gọi Dự án tổng hợp hệ gene người (HGP2: The Human Genome Synthesis Project). Nội dung giấy mời dự họp cho biết mục đích cơ bản của cuộc họp tại Harvard là tổng hợp một hệ gene người hoàn chỉnh trên tế bào trong thời gian 10 năm. Nhưng vào thời gian cuộc họp diễn ra, tên gọi của nó đã đổi thành Thử nghiệm hệ gene tổng hợp lớn trên tế bào (HGP-Write: Testing Large Synthetic Genomes in Cells).

Ngoài tiến sĩ Church, ban tổ chức còn bao gồm Jef Boeke, giám đốc viện hệ thống di truyền học ở Trung tâm Y tế Langone thuộc Đại học New York và Andrew Hessel, nhà nghiên cứu làm việc tại công ty phần mềm Autodesk, người đầu tiên đề xuất dự án năm 2012.

Các nhà khoa học và công ty có thể thay đổi ADN ở tế bào bằng cách cấy thêm gene lấy từ bên ngoài hoặc thay đổi ký tự của các gene. Kỹ thuật này thường được dùng để tạo ra những loại thuốc như insulin cho bệnh đái tháo đường hoặc sản xuất cây trồng biến đổi gene.

Tuy nhiên, việc tổng hợp một gene hoặc toàn bộ hệ gene sẽ mang đến cơ hội tạo ra những thay đổi sâu rộng hơn trên ADN. Ví dụ, nhiều công ty đang sử dụng tổ chức sinh vật như men để tạo các hóa chất phức tạp như mùi và vị. Phương pháp này không chỉ đòi hỏi cấy thêm một gene vào men mà cần nhiều gene nhằm tạo ra quá trình sản xuất hóa học hoàn chỉnh bên trong tế bào.

Tổng hợp ADN vẫn là kỹ thuật khó và hay mắc lỗi. Kỹ thuật hiện nay chỉ cho phép tạo ra các đoạn gồm 200 cặp cơ bản và những cặp cơ bản này là đơn vị hóa học của ADN. Một gene có thể chứa hàng trăm hoặc hàng nghìn cặp cơ bản. Để tổng hợp gene thành công, các nhà khoa học sẽ cần tìm cách kết hợp nhiều đoạn ADN với nhau.

Phương Hoa - vnexpress.net

Không có nhận xét nào:

HỌC LIỆU ĐIỆN TỬ
LIÊN KẾT
TAG CLOUD
A http://sinhhoc.blogspot.com/ (15) Ảnh độc đáo (4) Bài báo khoa học (12) Bài báo quốc tế (7) Bài giảng-Giáo trình (81) Bản tin CNSH (6) Biology books (1) Blog sinh học (4) Các cây hoa màu khác (3) Các nhà khoa học (3) Campbell (1) Câu chuyện khoa học (1) Cây lúa (11) Cây ngô (26) Chân dung nhà khoa học (4) Công nghệ lên men (1) Công nghệ mới (6) Công nghệ sinh học (64) Công nghệ thực phẩm (5) Công trình khoa học (14) Di truyền phân tử (3) DNA tái tổ hợp (1) Dự án (1) Đăng báo quốc tế (2) Đề tài (2) Đọc và suy ngẫm (3) Động vật học (29) Ebook Công nghệ sinh học (24) Ebook công nghệ thực phẩm (1) Ebook sinh học (85) Ebook thực vật (11) Ebook Y - Dược (3) English learn (1) Giáo dục và Khoa học (11) Góc nhìn cuộc sống (7) Góc tâm hồn (7) Hiện tượng sinh học (16) Hóa sinh (4) hướng dẫn sử dụng phần mềm (2) Khoa học và ứng dụng (3) kinh nghiệm đăng báo quốc tế (1) kỹ thuật SSR (1) Luận văn - Luận án (6) Luyện thi B1 B2 (3) luyện thi đại học (1) Nghành CNSH làm gì (1) Nghiên cứu khoa học (2) Nông nghiệp (4) Olympic Sinh học (1) PCR và các kỹ thuật liên quan (3) Phần mềm dạy học (2) Phần mềm sinh học (17) Sách công nghệ thực phẩm (3) Sách sinh học (14) Sách sinh y (1) Sách Y khoa (3) Sinh học 12 (1) sinh học đại cương (1) Sinh học phân tử (2) Sinh học phổ thông (5) Sinh học ứng dụng (3) Sinh vật học (8) SSR (1) Tế bào gốc (2) Thế giới tri thức (1) Thông báo (1) thông tin nông nghiệp (2) Thực vật học (37) Tin sinh và Thống kê (9) Tu dien sinh hoc (1) Tuyển dụng (6) Từ điển sinh học (3) Vi khuẩn (1) Vi sinh vật (27) Video clip (2) Video sinh học (5) Vui cười - Hài hước (12) Y học - Cuộc sống (126) Ý tưởng khoa học (10)