Thứ Năm, 8 tháng 9, 2016
Nhìn Israel mà ... xót cho nông nghiệp Việt Nam
Ông Nguyễn Văn Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương (KTTƯ) chia sẻ tại Diễn đàn Phát triển Doanh nghiệp nông nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới được tổ chức sáng nay (8/9) tại Hà Nội.
Nhiều nước mơ như Việt Nam mà không được
Trưởng ban KTTƯ chia sẻ, vấn đề nông nghiệp đã được quan tâm rất nhiều trong thời gian vừa qua. "Khi tôi còn làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tín dụng cho nông nghiệp luôn tăng. Chúng tôi sang rất nhiều nước để học hỏi mô hình làm nông nghiệp của họ để tư vấn cho doanh nghiệp (DN). Sang Thụy Sỹ nhìn đất nước chẳng thấy người đâu, toàn bò và năng lượng gió.
Diễn đàn phát triển doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam
Hiện nay, nông nghiệp của Việt Nam không chỉ cho Việt Nam mà còn cho thế giới, nó đóng vai trò quan trọng trên trường quốc tế. Từ năm 1995 đến năm 2000 - 2005, tháng nào tôi cũng có mặt ở Hà Lan. Năm 2014 chúng tôi lại sang Hà Lan 1 lần nữa theo Thủ tướng, thấy nông nghiệp Hà Lan đóng góp 40% cho GDP. Ai bảo Hà Lan lạc hậu vì làm nông nghiệp?", ông Bình kể.
Theo ông Bình, tỷ lệ lao động trong ngành nông nghiệp của Hà Lan hiện chỉ 2 - 4% nhưng sản xuất nông nghiệp của họ tạo ra 40% GDP. Trong khi đó, Việt Nam có hơn 70% dân làm nông nghiệp, nhưng chỉ đóng 17% GDP.
"Thay đổi nhận thức, chỉ động viên DN thì không ổn mà các bộ ngành trung ương vào cuộc thực chất. Hiện có nhiều DN nói rằng, làm theo mô hình a, b hay c, nhưng họ lo lắm bởi vì người nông dân không thống nhất hợp đồng, 10 năm sau họ thay đổi thì chúng em chết, tài sản trôi sông đổ biển. Như thế, có thể thấy, điều đầu tiên chúng ta phải có chủ trương chính sách đảm bảo tích tụ ruộng đất tốt", ông Bình nói.
Theo ông Bình, kinh tế hợp tác, kinh tế tập thể ngày xưa vẫn ớn tới tận xương sống. Nay có Luật Hợp tác xã mới đã tốt hơn, dù cần bổ sung thêm, đó là một bước tiến quan trọng. Nhà cửa đất đai, sản phẩm, quy trình thống nhất, tham gia vào được tất cả mọi thứ. "Nhà nông cứ nuôi lợn, nhưng hãy bán sản phẩm, tuân thủ quy trình sản xuất, tiêm thuốc, thức ăn của DN và cho DN thì không ai không làm được cả", ông Bình nói.
Theo Trưởng Ban KTTƯ, muốn thu hút DN đầu tư vào làm nông nghiệp, cần chính sách hỗ trợ tập trung, thực chất. "Chúng ta kêu gọi DN vào làm nông nghiệp nhưng lại đè họ ra thu thuế, điều này có nên không? Chúng ta phải miễn thuế cho DN từ 5 - 10 năm hoặc lâu hơn nữa. Mặc dù trước mắt có thể mất tiền thuế thực thu nhưng đổi lại chúng ta có thương hiệu thực phẩm sạch, được giá trị gia tăng, được thuế xuất khẩu. Đâu cũng vào đấy, nhưng cách đánh thuế gián tiếp là khôn ngoan hơn, có lợi hơn.... đây là 1 cái khuyến khích cho nông nghiệp cần phát huy".
DN ăn dày, nhà nông chia lợi mỏng
Ở góc độ liên kết chuỗi giá trị của DN và người nông dân, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông chỉ rõ thực trạng: Hiện người nông dân có lợi mỏng, nhưng các DN lại ăn quá dày, do đó chuỗi giá trị này cần xem lại nếu muốn phát triển nền nông nghiệp bền vững.
Ông Đông phân tích: "Trong báo cáo nghiên cứu của tổ chức Oxfam và Viện Nông nghiệp Việt Nam chỉ ra rằng, chỉ 2 sản phẩm cây lúa và cá tra, thì những người chăn nuôi và trồng lúa nước chịu tỷ lệ rủi ro 70%, nhưng nhận giá trị gia tăng 20 - 30%. Trái lại, những DN tham gia mua bán và phân phối sản phẩm nông nghiệp lại thu lợi quá lớn. Họ bỏ ra chỉ từ 2 - 3% chi phí giá trị nhưng gặt hái được 70% lợi nhuận. Như vậy, tăng trưởng là thiếu bền vững và lợi nhuận đang bị phân bố rất lệch".
Theo ông Đông, để phát triển các nguồn lực của nền nông nghiệp Việt Nam hiện nay, rất cần có sự hỗ trợ trọng tâm, trọng điểm. Ông Đông khẳng định: "Bản chất của thị trường là cạnh tranh, nhưng cạnh tranh phải có quy mô, nếu bé thì không ăn thua. Chúng ta phải làm cách nào để hỗ trợ người nông dân, những người có sáng kiến trong ngành nông nghiệp thu lượm những giá trị gia tăng cho mình".
Đánh giá về thực trạng ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) cho hay, sản xuất nông nghiệp rất rủi ro bởi chu kỳ lên xuống rất cao.
"Chúng ta có hết các chủ trương, khuyến khích nhưng phần triển khai nó vào cuộc sống là khâu còn rất yếu. Tôi rất buồn vì nhiều đại gia nói làm nông nghiệp chỉ là vì yêu nước chứ không có lợi nhuận... tôi buồn thật. Tại sao lại để nông nghiệp rơi vào tình trạng đó? Nông nghiệp chu kỳ lên xuống, được mùa lại mất giá, đại gia chỉ ăn nổi 2 con gà chứ đâu ăn được 10 con gà một lúc, rồi lại thời tiết rủi ro... Chữa căn bệnh trầm kha của nông nghiệp phải bằng công nghệ để tăng giá trị gia tăng, để thu hẹp khoảng cách", ông Thành nêu ý kiến.
Nguyễn Tuyền - Dantri.com.vn
Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2016
Khám Phá Mới Về Sự Khác Biệt Giữa DNA Và RNA
Ngày 1.8.2016 vừa qua, tạp chí Nature Structural & Molecular Biology công bố một công trình đáng chú ý của các nhà khoa học Mỹ và Áo. Theo đó, lần đầu tiên người ta quan sát rằng RNA tách ra khi chúng cố dung nạp một sự thay đổi, trong khi DNA có thể thay đổi hình dạng để tương thích với bất kì tổn thương hóa học (chemical damage) nào.
Nghiên cứu này giúp giải thích rằng bản thiết kế (blueprint) của sự sống là DNA chứ không phải RNA, và khám phá này có thể sẽ khiến các giáo sư phải cập nhật nội dung của sách giáo khoa.
“Với những khái niệm cơ bản chẳng khác gì việc xoắn kép, thật đáng ngạc nhiên khi chúng ta lại khám phá những đặc tính cơ bản này trễ như vậy,” theo lời của Hashim Al-Hashimi từ Đại Học Y Duke.
Trở lại năm 1953, Watson và Crick lần đầu tiên công bố mô hình chuỗi xoắn kép DNA và dự đoán cách thức các cặp base - A & T và G & C – liên kết với nhau.
Một thông tin quen thuộc mà độc giả hẳn đã từng được nghe nhiều lần là: hai sợi DNA được liên kết với nhau bằng các liên kết của các cặp base, tạo thành các nấc thang giữ vững thang xoắn DNA.
Nhưng phải mất nhiều năm các nhà khoa học mới tìm thấy bằng chứng cho thấy các cặp baseđược liên kết theo cách mà Watson và Crick đã dự đoán - họ gọi là cặp base Watson-Crick. Sau đó, vào năm 1959, nhà sinh hóa Karst Hoogsteen đã thành công trong việc chụp được hình ảnh của một cặp base A-T, cho thấy sự bất cân đối hình học trong đó một base xoay 180 độ so với base khác. Người ta gọi đây là cặp base Hoogsteen.
Kể từ đó, các nhà nghiên cứu quan sát sự hiện diện của cả hai cặp base Watson-Crick và Hoogsteen dựa trên hình ảnh của DNA.
Hình: Cấu trúc hóa học của các cặp base A-T và G-C+ Watson-Crick và Hoogsteen (*)
Tuy nhiên, năm năm trước, Al-Hashimi và nhóm nghiên cứu tại Duke khám phá một hiện tượng chưa hề được biết đến trước đó: cặp base DNA liên tục thay đổi từ mô hình của Hoogsten sang Watson-Crick và ngược lại. Điều này đã bổ sung thêm một chiều hướng mới về sự linh hoạt của cấu trúc DNA.
Các nhà khoa học phát hiện rằng DNA sử dụng liên kết Hoogsteen khi có sự liên kết giữa protein và DNA hoặc nếu có tổn thương hóa học tới bất kỳ một base nào. Một khi thiệt hại được sửa chữa hoặc khi các protein thoát liên kết, DNA quay trở lại với dạng liên kết Watson -Crick.
Phát hiện này mang tầm ảnh hưởng to lớn, nhưng đội nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng RNA không có khả năng này, trả lời cho câu hỏi mà các nhà khoa học tìm cách lý giải hàng năm trời: DNA là cấu trúc căn bản của sự sống, không phải RNA.
Trong khi DNA sẽ hấp thụ tổn thương hóa học và thích ứng với môi trường xung quanh, RNA sẽ trở nên rắn hơn và cấu trúc dần sụp đổ. Vì vây DNA là cấu trúc tốt hơn để truyền tải thông tin di truyền xuống các thế hệ DNA sau.
"Ở DNA, tổn thương có thể dễ dàng được sửa chữa bằng cách lật các base và tạo thành một cặp base Hoogsteen. Ngược lại, việc sửa đổi sẽ phá vỡ nghiêm trọng cấu trúc xoắn kép của RNA," theo Huiqing Chu, một trong những nhà nghiên cứu của công trình cho biết.
Theo một thông cáo báo chí của Đại Học Duke, "Phát hiện này có khả năng cao sẽ thay đổi thông tin trong sách giáo khoa về sự khác biệt giữa hai cấu trúc cung cấp thông tin di truyền,DNA và RNA,"
Hình minh họa cho thấy cấu trúc DNA bên trái thực hiện liên kết Hoogsteen để kết hợp những cặp base hỏng, trong khi cấu trúc RNA bên phải đang tan rã.
Các nhà khoa học đã phát hiện ra điều đó bằng cách tạo ra những chuỗi xoắn kép, RNA và DNA, và sử dụng những kỹ thuật hình ảnh cao cấp (advanced imaging techniques) để xem xét sự liên kết giữa các base trong đó diễn ra như thế nào.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trong bất kì thời điểm nào, khoảng 1% các basetừ chuỗi DNA chuyển thành các cặpbase Hoogsteen. Nhưng điều này không xuất hiện ở các đoạn RNA.
Các nhà khoa học tiếp tục tiến hành những thí nghiệm với những chuỗi xoắn kép RNA ở những điều kiện khác nhau, nhưng dường như không có sự thay đổi để trở thành các cặp base Hoogsteen. Khi những đoạn RNA bị “ép buộc” để hình thành những cặp base Hoogsteen, chỉ để khẳng định điều đó có thể xảy ra hay không, nhưng ngay khi nó được hình thành, đoạn RNA trở nên tan rã.
Nhóm các nhà khoa học giải thích rằng nguyên nhân của hiện tượng đó do cấu trúc được sắp xếp chặt hơn (more packed) của chuỗi xoắn kép RNA so sánh với cấu trúc tương tự trên DNA, và cũng bởi vì một RNA base không thể thay đổi định hướng của nó mà không va chạm phải các base khác cũng như thay đổi toàn bộ cấu trúc phân tử RNA.
“Đó là một cấu trúc tuyệt vời, một sự phức tạp được xây dựng từ những cấu tạo giản đơn, toàn bộ những điều mà trước nay chúng ta không thể nhìn thấy được, chỉ bởi vì không có những công cụ để quan sát chúng, cho tới trước thời điểm này.” – Al-Hashimi nói.
Sẽ cần những nghiên cứu tiếp theo để kiểm chứng lại giả thiết rằng sự linh động của DNA, chứ không phải ở RNA, là nguyên nhân để DNA trở thành nền tảng của sự sống, và nếu được chứng thực, điều đó sẽ giúp chúng ta giải thích cách sự sống phát triển trên trái đất này.
Và một điều khá thú vị rằng sau tất cả bao nhiêu năm, chúng ta vẫn đang tìm tòi những điều mới mẻ về những phân tử làm nên chính chúng ta.
Thanh Lan, Anh Phương, và Hồng Ái (chuyển ngữ)
Nguồn hình: (*) Wikipedia
Bài báo:
Fiona MacDonald. Scientists have just uncovered a major difference between DNA and RNA. Science Alert. 3 August 2016
Zhou, H., Kimsey, I. J., Nikolova, E. N., Sathyamoorthy, B., Grazioli, G., McSally, J., ... & Al-Hashimi, H. M. (2016). m1A and m1G disrupt A-RNA structure through the intrinsic instability of Hoogsteen base pairs. Nature Structural & Molecular Biology.
Nguồn: ibsgacademic.com
Nguồn: ibsgacademic.com