Thứ Ba, 1 tháng 5, 2012

Nhận thức về cây trồng biến đổi gen

Kể từ năm 2003 đến nay, chúng ta đã tổ chức không dưới 50 cuộc hội thảo, hội nghị về cây trồng biến đổi gen trên thế giới và Việt Nam, nhưng cho đến nay vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về cây trồng và sản phẩm cây trồng biến đổi gen.

CÔNG NGHỆ CHUYỂN GEN
Công nghệ nói chung, công nghệ chuyển gen và các sản phẩm cây trồng biến đổi gen nói riêng đều là sản phẩm của các công ty đa quốc gia, quá trình chuyển giao, khai thác bản quyền ở Việt Nam chắc cũng không có gì khác so với thế giới nhưng mức độ khai thác giờ đây phụ thuộc vào trình độ nhận thức, sự tiếp nhận công nghệ và sản phẩm cây trồng chuyển gen của chúng ta.
Đứng trước vấn đề quan trọng khi còn nhiều ý kiến khác nhau cần phải bình tĩnh và thận trọng, nhìn nhận khách quan trên cơ sở luận cứ khoa học cụ thể. Trước hết, chúng ta phải có sự nhìn nhận đúng về vấn đề chuyển gen và sản phẩm cây trồng biến đổi gen.
1. Trước xu thế toàn cầu hóa, cây trồng chuyển gen và sản phẩm biến đổi gen sớm hay muộn cũng phát triển ở Việt Nam. Chúng ta hãy chủ động đón nhận công nghệ, sản phẩm này như một sự tất yếu bởi tính hiện đại và sự tiến bộ của nó. Coi công nghệ chuyển gen như một trong những công cụ chọn tạo giống cây trồng mới hiện đại, góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng và biến đổi khí hậu trong những thập kỷ tới.
2. Về bản chất của cây trồng chuyển gen là sự biến đổi vật chất di truyền, tiếp nhận thêm những gen mới, kết quả là xuất hiện những tính trạng mới dưới sự tác động của môi trường. Quá trình biến đổi vật chất di truyền (thêm gen mới) nhờ vào công nghệ chuyển gen, nếu so sánh quá trình này với quá trình đột biến trong tự nhiên về bản chất thì hai quá trình là một, bởi vì quá trình tiến hóa của sinh vật đều phải trông chờ vào quá trình biến đổi vật chất di truyền, trong đó đột biến đóng vai trò quan trọng. Dưới tác động của các nhân tố gây đột biến, vật chất di truyền được biến đổi theo hai hướng: thêm đoạn hay bớt đoạn. Như vậy, quá trình thêm đoạn nhờ chuyển gen cũng tương tự như quá trình thêm đoạn ADN trong đột biến tự nhiên. Tuy nhiên, hai quá trình này có nhiều điểm khác nhau: Nếu quá trình chọn lọc tự nhiên chỉ giữ lại những biến dị có lợi cho quá trình tiến hóa của loài, thì trong kỹ thuật chuyển gen cây trồng chỉ giữ lại tính trạng đã được định hướng trước, có lợi về kinh tế, không đóng góp gì cho quá trình tiến hóa của loài. Đây là điểm khác biệt căn bản nhất giữa đột biến tự nhiên và “đột biến” nhờ kỹ thuật chuyển gen. Sản phẩm của đột biến tự nhiên là tính trạng có lợi cho tiến hóa, còn sản phẩm của quá trình chuyển gen là các tính trạng có lợi cho con người, đây là ưu điểm nổi bật nhất của công nghệ chuyển gen.
3. Quá trình hình thành tính trạng mới trong tự nhiên phải diễn ra hàng trăm năm, triệu năm, thậm chí hàng tỷ năm, còn quá trình hình thành tính trạng mới nhờ công nghệ chuyển gen chỉ diễn ra trong vài năm, nhờ tính ưu việt này mà chúng ta có thể rút ngắn được quá trình chọn tạo giống cây trồng mới, bổ sung các tính trạng ưu việt mới, đáp ứng tốt nhất mục tiêu chọn giống và phục vụ sản xuất.
4. Quá trình tiếp nhận gen mới trong tự nhiên bị ngăn cản bởi ranh giới loài, công nghệ chuyển gen cho phép chuyển các gen khác loài. Như vậy, công nghệ chuyển gen giúp chúng ta di nhập tính trạng từ các loài khác nhau, vượt qua ranh giới loài mà các phương pháp lai tạo truyền thống không thể tiến hành được. Thông qua phương pháp chuyển gen (về lý thuyết) cho phép nhà chọn giống tích hợp được các gen có lợi vào một loài, một sản phẩm cây trồng nhất định, phải chăng đây là phương thức tạo ra các tính trạng ưu việt mới cho cây trồng trên cơ sở kết hợp với phương pháp chọn tạo truyền thống mà chúng ta chưa thể làm được.
Kể từ khi sản phẩm chuyển gen được thử nghiệm và thương mại hóa (1996) cho đến nay (2011), sau 15 năm với 148 triệu ha cây trồng chuyển gen, diễn ra 29 nước với 154 triệu nông dân trên toàn thế giới trồng và sử dụng sản phẩm chuyển gen, cho thấy công nghệ chuyển gen và sản phẩm chuyển gen mang đến cho loài người những mặt tích cực là chủ yếu: tăng sản lượng mùa màng, cải thiện môi trường canh tác nông nghiệp, đảm bảo tính ổn định và phát triển bền vững trước sự thay đổi của khí hậu. Cho đến nay, từ nông dân, chủ trang trại, các nhà khoa học chưa tìm thấy những bằng chứng tiêu cực do công nghệ chuyển gen và sản phẩm chuyển gen gây ra cho loài người.
LỰA CHỌN HỆ THỐNG GEN ĐÍCH PHÙ HỢP
Tôi cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại khi nghiên cứu, phát triển cây trồng chuyển gen ở nước ta thời gian qua là chúng ta chưa lựa chọn được hệ thống gen đích phù hợp với điều kiện canh tác, sinh thái nông nghiệp của Việt Nam, chưa chứng minh tính hiệu quả của gen Bar và gen Bt. Trước hết cần khẳng định, hai gen được thương mại hóa (Bar và Bt) đều nằm trong nhóm gen bảo tồn năng suất tiềm năng, chứ không phải nằm trong nhóm gen tăng năng suất.
Do vậy, mọi thông tin về sự tăng năng suất do 2 gen này mang lại thông qua tài liệu tuyên truyền và mô hình là không có cơ sở khoa học. Các công ty đa quốc gia thương mại hóa gen kháng thuốc trừ cỏ và gen kháng sâu đục thân là để giải quyết vấn đề nông nghiệp của Châu Mỹ và Châu Âu, chứ không phải giải quyết vấn đề nâng cao năng suất cây trồng của Việt Nam. Lý do:
- Nền nông nghiệp của các nước Châu Mỹ và Châu Âu được sản xuất trên quy mô lớn, trang trại, 80% tự động hóa, địa hình bằng phẳng, thống nhất quản lý địch hại, nguồn lao động ít, thời gian sinh trưởng cây trồng dài (gấp đôi các nước nhiệt đới). Đặc trưng sinh thái nông nghiệp nghèo, tỷ lệ tổn thất do thiên địch chủ yếu là sâu đục thân, đục rễ (có thể trên 30% về năng suất), các thế hệ gen Bt đặc trưng cho các loài cánh vảy Châu Mỹ và Châu Âu, do vậy khi áp dụng 2 gen này phát huy được hiệu quả do giảm chi phí và tổn thất năng suất, bảo tồn được năng suất tiềm năng của giống nền.
- Nền nông nghiệp Việt Nam dựa trên quy mô nhỏ lẻ, địa hình trồng ngô chủ yếu là miền núi, nguồn lao động phong phú, ít tự động hóa, thời gian sinh trưởng của cây trên đồng ruộng ngắn, đa dạng sinh học nông nghiệp phong phú, tỷ lệ tổn thất năng suất do sâu đục thân là không đáng kể, quản lý trên quy mô nhỏ, nông hộ. Do vậy, khi áp dụng hệ thống gen này khó phát huy được hiệu quả như mong muốn. Mặt khác, loài sâu đục thân gây hại cho cây ngô và các cây trồng khác ở Việt Nam là khác với các chủng ở Châu Âu, Châu Mỹ, do vậy gen Bt ít phát huy được tác dụng.
Để phát triển cây trồng biến đổi gen một cách bền vững, chúng ta cần nghiên cứu lựa chọn hệ thống gen đích phù hợp với điều kiện canh tác, sinh thái nông nghiệp Việt Nam, đó là các hệ thống gen chống chịu bao gồm:
- Hệ thống gen Bt đặc chủng cho sâu đục thân Việt Nam.
- Hệ thống gen chịu hạn.
- Hệ thống gen chịu chua phèn, đạm thấp, bệnh.
Trong đó, hệ thống gen chịu hạn cần tập trung nghiên cứu mạnh vì đối với cây ngô, nước ta có tới 80% diện tích trồng ngô nhờ nước trời.
Cần lưu ý thêm là hệ thống gen chống chịu sinh học và phi sinh học này cũng chỉ là hệ thống gen bảo tồn năng suất tiềm năng, chỉ có tác dụng nâng cao sức đề kháng của cây trồng, bảo tồn năng suất của giống nền. Như vậy, muốn có giống năng suất cao vẫn phải dựa vào công nghệ lai tạo giống truyền thống là chủ yếu. Công nghệ chuyển gen với hệ thống gen chống chịu chỉ có vai trò tăng cường khả năng chống chịu của giống, bảo tồn năng suất tiềm năng.
Trong những năm gần đây, các nhà khoa học trên thế giới đã xác định được các gen, nhóm gen có vai trò nâng cao năng suất cây trồng, ở nước ta đã có một vài nhóm các nhà khoa học đề cập và nghiên cứu, tuy nhiên kết quả còn nhiều hạn chế. Chúng ta cần nhanh chóng tiếp cận và phát triển các hướng nghiên cứu trên.
THỐNG NHẤT NHẬN THỨC
Để nhanh chóng phát triển sản phẩm biến đổi gen, chúng ta nên có sự nhìn nhận chung, thống nhất về công nghệ chuyển gen, cây trồng chuyển gen và sản phẩm biến đổi gen, thể hiện ở một số điểm:
- Thừa nhận công nghệ chuyển gen, sản phẩm cây trồng biến đổi gen đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển nông nghiệp của nước nhà.
- Bộ Nông nghiệp và PTNT xây dựng lộ trình phát triển cây trồng biến đổi gen phù hợp, tăng cường công tác quản lý giám sát chương trình phát triển cây trồng biến đổi gen.
- Công tác tuyên truyền phải phản ánh khách quan, trung thực, gần dân hơn, đừng để dân sợ.
- Nhanh chóng làm chủ được công nghệ, lựa chọn hệ thống gen phù hợp, nhập nội một số sản phẩm cây trồng biến đổi gen tiên tiến của thế giới để sử dụng. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu nội địa hóa sản phẩm cây trồng biến đổi gen để có thể chủ động trong những năm tới.
Theo nongnghiep.vn

Không có nhận xét nào:

HỌC LIỆU ĐIỆN TỬ
LIÊN KẾT
TAG CLOUD
A http://sinhhoc.blogspot.com/ (15) Ảnh độc đáo (4) Bài báo khoa học (12) Bài báo quốc tế (7) Bài giảng-Giáo trình (81) Bản tin CNSH (6) Biology books (1) Blog sinh học (4) Các cây hoa màu khác (3) Các nhà khoa học (3) Campbell (1) Câu chuyện khoa học (1) Cây lúa (11) Cây ngô (26) Chân dung nhà khoa học (4) Công nghệ lên men (1) Công nghệ mới (6) Công nghệ sinh học (64) Công nghệ thực phẩm (5) Công trình khoa học (14) Di truyền phân tử (3) DNA tái tổ hợp (1) Dự án (1) Đăng báo quốc tế (2) Đề tài (2) Đọc và suy ngẫm (3) Động vật học (29) Ebook Công nghệ sinh học (24) Ebook công nghệ thực phẩm (1) Ebook sinh học (85) Ebook thực vật (11) Ebook Y - Dược (3) English learn (1) Giáo dục và Khoa học (11) Góc nhìn cuộc sống (7) Góc tâm hồn (7) Hiện tượng sinh học (16) Hóa sinh (4) hướng dẫn sử dụng phần mềm (2) Khoa học và ứng dụng (3) kinh nghiệm đăng báo quốc tế (1) kỹ thuật SSR (1) Luận văn - Luận án (6) Luyện thi B1 B2 (3) luyện thi đại học (1) Nghành CNSH làm gì (1) Nghiên cứu khoa học (2) Nông nghiệp (4) Olympic Sinh học (1) PCR và các kỹ thuật liên quan (3) Phần mềm dạy học (2) Phần mềm sinh học (17) Sách công nghệ thực phẩm (3) Sách sinh học (14) Sách sinh y (1) Sách Y khoa (3) Sinh học 12 (1) sinh học đại cương (1) Sinh học phân tử (2) Sinh học phổ thông (5) Sinh học ứng dụng (3) Sinh vật học (8) SSR (1) Tế bào gốc (2) Thế giới tri thức (1) Thông báo (1) thông tin nông nghiệp (2) Thực vật học (37) Tin sinh và Thống kê (9) Tu dien sinh hoc (1) Tuyển dụng (6) Từ điển sinh học (3) Vi khuẩn (1) Vi sinh vật (27) Video clip (2) Video sinh học (5) Vui cười - Hài hước (12) Y học - Cuộc sống (126) Ý tưởng khoa học (10)